10/09/2020 12:45:41

Hàng loạt DN Nhật “xếp hàng” chờ ngân sách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Năm nay, Nhật Bản dành ra ngân sách 220 tỷ Yen (2 tỷ USD) để hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài về nước, tính đến hiện tại đã có 1.670 doanh nghiệp đang “xếp hàng”.

Những năm gần đây, Trung Quốc mất dần sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp sản xuất do chi phí lao động ngày càng tăng lên. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, nếu lấy chi phí sản xuất ở Nhật Bản làm cơ sở là 100, thì chi phí sản xuất ở Trung Quốc là 80, còn Việt Nam là 74 điểm.

Một nhà máy dệt ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản phê duyệt ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc về nước.

Trong vòng xét duyệt đầu tiên kết thúc vào tháng 6, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt cho 57 doanh nghiệp trên 90 đơn đăng ký ban đầu, với tổng mức hỗ trợ là 57,4 Yen.

Tới vòng nộp đơn thứ hai kết thúc vào cuối tháng 7, Nhật Bản đã nhận được hồ sơ đăng ký từ 1.670 doanh nghiệp với tổng giá trị xin hỗ trợ khoảng 1.760 tỷ Yen. Con số này gấp 11 lần ngân sách còn lại của chương trình. Kết quả lựa chọn doanh nghiệp được trợ cấp sẽ có vào tháng 10 sau khi các chuyên gia độc lập đánh giá.

Hiện tại, Chính phủ không có kế hoạch bổ sung quỹ cho chương trình này. Tuy nhiên, một số ứng cử viên tìm cách kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi ứng.

Các doanh nghiệp được hỗ trợ với mục đích đa dạng hóa mạng lưới sản xuất nhằm đảm bảo an ninh kinh tế trong trường hợp khẩn cấp, chứ không đơn giản là đóng cửa nhà máy nước ngoài và chuyển về nước.

Khoản trợ cấp dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sức khoẻ cộng đồng hoặc việc sản xuất vốn đang bị tập trung ở một vài quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc với mức hỗ trợ tối đa 15 tỷ Yen cho mỗi dự án.

Trong một chương trình khác cũng nhằm hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng, 30 công ty Nhật Bản đã được chấp nhận hỗ trợ khoản tiền 23,5 tỷ Yen để mở rộng hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á. Trong đó, tới một nửa doanh nghiệp này chọn Việt Nam là điểm đến. Đây là một “tín hiệu tốt” cho thị trường lao động Việt Nam trong tương lai.

Trước đây, Nhật Bản cũng từng dùng trợ cấp nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước vào năm 2011. Nhật Bản đã triển khai chương trình thúc đẩy thành lập doanh nghiệp sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2011. Trong vòng đầu tiên, họ nhận được khoảng 750 đơn đăng ký và chấp nhận hỗ trợ cho 250 doanh nghiệp với tổng mức hỗ trợ là 200 tỷ Yen. Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi chi phí sản xuất ở Nhật Bản tăng lên, một phần do đồng Yen mạnh vào thời điểm đó.

Sự khác biệt trong chương trình hỗ trợ lần này là môi trường kinh doanh toàn cầu bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, khiến an ninh kinh tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước đã phổ biến từ trước khi có Covid-19, nhưng cú sốc đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng này.

Minh Khôi (T/h)