Anh Đỗ Công Nguyên (SN 1982, Giảng viên khoa Khách sạn – Du lịch, Trường Đại học Thương mại, Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam) chia sẻ với PV Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống.
Theo Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Đỗ Công Nguyên, trước đây trong suy nghĩ nhiều người, học nghề chưa được coi trọng, thậm chí chỉ là lựa chọn thứ 2, thứ 3 trong trường hợp không đủ điểm vào các đại học. Hiện tại, lựa chọn học nghề xếp ngang hàng với lựa chọn học đại học, có nhiều bạn đủ điểm vào trường đại học vẫn quyết định học nghề.
“Thực tế này cho thấy, xã hội đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức về giáo dục nghề nghiệp”, anh Nguyên nhận định.
Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Đỗ Công Nguyên cho rằng, học đại học thực chất cũng là học để có nghề, học phương pháp để giải quyết vấn đề hiệu quả. Tuy nhiên học đại học không phải là con đường tiến thân lập nghiệp duy nhất.
Ngoài đại học, lựa chọn học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp… cũng là những con đường tiến thân phù hợp và đáp ứng được nhu cầu cần những người giỏi nghề của xã hội.
Từ thực tế đó, Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Đỗ Công Nguyên cho rằng: “Các bạn trẻ nếu không đỗ đại học cũng không nên buồn, lo lắng. Hãy suy nghĩ một cách tích cực rằng, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, mà biết đâu đằng sau cánh cửa mới ấy, khả năng tiềm ẩn của các bạn sẽ được phát hiện và phát triển”.
Cũng theo Đại sứ kỹ năng nghề Đỗ Công Nguyên, quyết định học đại học hay cao đẳng, trung cấp đều phải căn cứ vào khả năng của bản thân, nhu cầu của xã hội, tránh tình trạng lựa chọn vì ý thích nhất thời hoặc thiên hướng lĩnh vực này, lại chọn học lĩnh vực khác.
“Có bạn muốn trở thành vận động viên thể thao nhưng sức khỏe không có, hay có bạn mong muốn trở thành kế toán nhưng tính cách nóng vội, không cẩn thận, tỉ mỉ thì nếu chỉ lựa chọn theo nguyện vọng là không thực tế”, anh Nguyên dẫn chứng.
Với trải nghiệm của một người học nghề, theo nghề, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên nhấn mạnh, chọn nghề đã khó, thành công được với nghề còn là hành trình khó khăn hơn nhiều.
Nhu cầu nhân sự có trình độ tay nghề cao của xã hội đối với các bậc học từ trung cấp, cao đẳng đến đại học đều rất lớn, bởi số nhân lực đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp không nhiều.
Nguyên nhân do quá trình học tập, nhiều bạn trẻ chưa nhận thức đúng đắn về nghề, không chú ý trau dồi kiến thức, kỹ năng nên khi ra trường bỡ ngỡ, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”, anh Nguyên cho biết.
Theo Đại sứ Đỗ Công Nguyên, để thành công với nghề, các bạn trẻ cần có thái độ nghiêm túc trong quá trình học. Thời gian học 3 năm, 4 năm trên giảng đường nghe có vẻ dài nhưng thực ra rất ngắn.
Nhiều trường hợp sinh viên ra trường đi làm rồi mới nhận thức được những lỗ hổng trong kỹ năng, kiến thức của chính ngành mình học. Lúc này mới ước giá như ngày sinh viên mình đi làm thêm, mình sống có mục tiêu, đam mê hơn thì cũng đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội.
Do đó, “các bạn trẻ cần tìm hiểu thực tế xem nhu cầu của xã hội, đòi hỏi của doanh nghiệp ra sao và tận dụng tốt khoảng thời gian này để học tập trau dồi kiến thức lý thuyết, nắm phương pháp giải quyết vấn đề kết hợp trải nghiệm thực tế và trau dồi các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, giao tiếp…
Có vậy, ra trường mới vững tin với khả năng của mình và có cơ hội để làm đúng nghề, phát triển và thành công với nghề nghiệp mình đã lựa chọn”, Đại sứ Đỗ Công Nguyên chia sẻ.
Nhìn lại hành trình đã đi qua, Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Đỗ Công Nguyên càng thấm thía lời dặn của người cha: “Con muốn hơn người phải khổ hơn người”.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nguyên quyết định vào Nam tìm việc kiếm sống.
Để có tiền, anh nhận làm đủ mọi nghề từ xây dựng, xay xát gạo, nuôi tôm, in mẫu lên quần áo đến phụ việc trong nhà máy khu công nghiệp…, đó đều là những công việc lao động chân tay vất vả.
Mỗi ngày anh bắt đầu hành trình đạp xe 40 km từ 4h sáng để kịp đến chỗ làm, phải vác trên vai những bao xi măng, những bó thép, vật liệu xây dựng nặng 50-60 kg. Có lần xuống Cần Giờ làm công cho một chủ đìa nuôi tôm, lúc xong việc đã 4h chiều, mệt quá anh thiếp đi trên bờ bao lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh dậy đã là 3h sáng và xung quanh chỗ anh nằm đã là biển nước mênh mông do thủy triều lên…
Quần quật suốt ngày như thế, mỗi tháng anh Nguyên cũng chỉ kiếm được số tiền 300-400 nghìn đồng, không đủ trang trải cuộc sống.
Năm 2004, với thành tích Huy chương vàng hội thi Tay nghề ASEAN, anh Đỗ Công Nguyên (ngoài cùng bên trái) đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng Bằng khen
“Công việc không chỉ tổn hao về thể lực mà còn khổ về tinh thần. Nhiều lúc người quản lý giao cho làm việc này việc kia, tôi loay hoay mãi không biết làm thế nào cho đúng, cho hiệu quả, nên cảm thấy rất khổ tâm”, anh Đỗ Công Nguyên chia sẻ.
Câu hỏi vì sao công việc vừa tổn hao thể lực vừa áp lực tinh thần mà không hiệu quả khiến chàng trai trẻ Đỗ Công Nguyên lúc đó trăn trở mãi. “Cuối cùng tôi cũng tìm ra câu trả lời cho mình. Đó là vì chưa được đào tạo nghề bài bản, tôi chỉ là lao động phổ thông giản đơn nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và phát triển nghề”, anh nói.
Năm 2002, Đỗ Công Nguyên quyết định về Hà Nội đi học nghề, để có kiến thức bài bản về nghề và phương pháp tư duy, làm việc hiệu quả hơn.
Nhận thức được tiềm năng của nghề nấu ăn, cộng thêm đam mê và năng khiếu sẵn có, anh Nguyên chọn học nghề nấu ăn tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Với mục tiêu phấn đấu “tôi của hôm nay phải hơn tôi của hôm qua”, anh Đỗ Công Nguyên đã tận dụng mọi cơ hội học tập có được, tích lũy kiến thức, lao động nghiêm túc, sáng tạo.
Những trái ngọt đầu tiên đã đến sau quãng thời gian vất vả rèn luyện, cố gắng. Tháng 5/2004, anh Đỗ Công Nguyên giành giải Nhất kỳ thi “Kỹ năng nghề Quốc gia” và được chọn vào đội tuyển tham gia dự thi “Kỳ năng nghề ASEAN”.
Tại kỳ thi “Kỳ năng nghề ASEAN”, Đỗ Công Nguyên đã xuất sắc giành Huy chương vàng. Đây là lần đầu tiên một đầu bếp Việt Nam giành được giải thưởng cao nhất của cuộc thi, góp phần vào thành tích đứng đầu Hội thi tay nghề ASEAN của đoàn Việt Nam năm đó.
Với kết quả này, Đỗ Công Nguyên được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen và năm 2005 anh được tuyển thẳng vào Đại học Thương mại Hà Nội. Anh tốt nghiệp đại học rồi học lên cao học.
Mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp tích lũy được, sau khi tốt nghiệp, anh Nguyên trở thành giảng viên Trường Đại học Thương mại. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, câu chuyện vượt khó vươn lên của anh Đỗ Công Nguyên đã trở thành tấm gương và truyền cảm hứng đến các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Thương mại.
Nội dung: Hải An
Thiết kế: Thúy Anh