27/08/2020 2:30:00

Nhiều LĐ thất nghiệp do Covid-19 ngại thay đổi công việc mới

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế kéo theo hệ lụy vô số lao động thất nghiệp, tuy nhiên thay vì học nghề để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác có nhu cầu về lao động lớn hơn, họ cầm cự bằng các công việc tình thế để chờ quay về với công việc cũ.

Ngại thay đổi – Muôn vàn lý do

Chị Phạm Thị Thúy 28 tuổi quê ở Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội mất việc từ tháng 4. Trước đây, chị làm hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn tour khách nước ngoài. Là một người có trình độ ngoại ngữ khá tốt, nhưng chị Thúy chưa tìm được công việc ưng ý.

Chị Thúy chia sẻ: “Một số công ty sẵn sàng nhận tôi làm phiên dịch hay dịch sách. Nhưng tôi lại thôi không đi làm vì mong muốn được đi làm du lịch. Bây giờ tôi đổi nghề, nhỡ đâu mấy tháng nữa du lịch hồi phục thì lại phải nghỉ việc mới để quay lại đi làm du lịch”.

Trang trải cuộc sống bằng cách bán hàng trên mạng, chị Thúy cho rằng công việc này chỉ mang tính chất tạm thời thế nhưng chị Thúy chấp nhận chờ đợi.

Cùng cảnh mất việc, chị Bùi Thị Bích Đào 41 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng đang loay hoay tìm việc làm. Trước khi mất việc, chị Đào làm kế toán cho một công ty chuyên cung cấp về các mặt hàng thời trang.

“Có nhiều nơi tuyển người làm, thế nhưng trái ngành trái nghề, ở độ tuổi của tôi hiện tại, việc bắt đầu một công việc mới là rất khó khăn và mất nhiều thời gian” – chị Đào tâm sự.

Sống bằng số tiền tích góp được nhiều năm qua, chị Đào mong ngóng từng ngày tìm được công việc làm kế toán với gần 20 năm kinh nghiệm của mình.

“Qua Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng có một số doanh nghiệp tuyển vị trí kế toán nhưng vẫn chưa phù hợp với tôi vì chỗ thì ở quá xa nhà, chỗ thì lương quá thấp” – chị Đào cho biết thêm.

Gấp gáp tìm việc làm ngay dù không đúng nguyện vọng

Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, hàng ngày tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) có trên dưới 400 lượt đến khai báo tình trang việc làm và đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.

Lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp

Từ đầu tháng 8 đến nay có hơn 2.400 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong đó, 796 người tìm được việc đi làm ngay, chiếm 23%.

Nhu cầu tìm việc làm tăng cao khiến tỉ lệ lao động có việc làm ngay sau khi phỏng vấn cũng tăng theo. Nhiều lao động sau thời gian nghỉ dịch quá dài gặp khó khăn về kinh tế nên chấp nhận việc đi làm ngay cho dù công việc chưa được như họ mong muốn.

Theo ông Thảo, với hy vọng ngày càng nhiều người lao động tìm được việc làm như ý muốn. Trung tâm đang thu thập nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu về cung và cầu.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội duy trì kết nối bên tuyển dụng và bên đăng ký việc làm bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là tuyển dụng trực tuyến thông qua máy tính hoặc điện thoại kết nối internet.

Học nghề – Thay đổi để tìm kiếm tương lai việc làm bền vững

Nhiểu lao động muốn có việc làm ngay hơn là phải chuyển đổi nghề

Tuy nhiên, ông Tạ Văn Thảo, thừa nhận, vẫn còn số lượng lớn người lao động vẫn chưa tìm được việc làm. Họ chờ đợi, với mong muốn tìm được công việc đúng với nghề mình đã từng làm.

Theo ông Thảo, ngoài việc hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cán bộ của phòng còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề cho người lao động. Thế nhưng, đa số lao động đến đây đều không mấy quan tâm.

“Việc chuyển đổi nghề rất mất thời gian. Một số lao động chỉ sử dụng bảo hiểm thất nghiệp làm phao cứu sinh khi bị thất nghiệp. Khi đặt vấn đề đào tạo nghề mới, nhiều người còn băn khoăn” – ông Thảo cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và luôn có diễn biến phức tạp, khó lường, người lao động cần có suy nghĩ cởi mở hơn, cân nhắc về chuyển đổi nghề nghiệp để có hướng đi vững chức cho công việc trong tương lai.

Minh Khôi (T/h)