Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh, biết ơn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”của dân tộc Việt Nam. Ngay từ năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” . Đến năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/02/1947 về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ” và chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hy sinh cho Tổ Quốc.
Cả nước có 9,2 triệu người có công với Cách mạng,
Kể từ đó đến nay, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, là dịp để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Đến nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm,… Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hằng tháng tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên mức 1.624.000 đồng năm 2020..
Ước đến cuối năm 2020 có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Hoàn thành việc xem xét, giải quyết và trả lời đối với 6.800 hồ sơ người có công tồn đọng tại thời điểm rà soát năm 2017 tại các cơ quan quân đội, công an và địa phương theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, triển khai Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định “Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, với tổng số là 393.707 hộ (trong đó, đề nghị xây mới là 184.695 hộ, đề nghị sửa chữa là 209.012 hộ), ngân sách nhà nước đã cấp kinh phí cho các địa phương thực hiện với số tiền là 10.654 tỷ đồng.
Hệ thống chính sách không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hóa.
Với quan điểm “tất cả người có công đều phải được hưởng đầy đủ chính sách và đời sống người có công ngày được nâng cao”, Bộ đã tham mưu Ban Bí thư ban hành và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; tham mưu xây dựng và hoàn thiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh), được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất là ngày 09/12/2020 tại Phiên họp lần thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) và có hiệu lực kể từ 01/7/2021. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm: 12 văn bản giai đoạn 2005-2007; 15 văn bản giai đoạn 2007-2012; giai đoạn 2012 -2020: 19 Nghị định, 04 Quyết định và 06 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 11 Thông tư, Thông tư liên tịch nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Pháp lệnh để hướng dẫn, triển khai thực hiện.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi ngày càng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân với mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình.
Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 năm 2020 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện; gồm 7 Chương và 58 Điều, trong đó có bổ sung 02 Chương mới [1], 10 Điều mới và sửa đổi 41 Điều của Pháp lệnh hiện hành, bổ sung và tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của nhà nước và xã hội; Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 năm 2020 mở rộng phạm vi điều chỉnh việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng. Bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi như: người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng được tiến hành theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Theo đó, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 năm 2020 chỉ xem xét công nhận liệt sĩ và thương binh thời kỳ đất nước hòa bình đối với những trường hợp: (1) Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội; (2) Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục của Chính phủ quy định; (3) Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; (4) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm. Đối với bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình: chỉ xem xét công nhận đối với trường hợp bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được quy định một cách thống nhất, rõ ràng trong Pháp lệnh mới. Trong đó, xác định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; xác định chế độ trợ cấp mai táng khi người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và con đẻ bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá. Quy định mức trợ cấp hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 03 lần mức chuẩn, góp phần chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày càng tốt hơn.
6 nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới
Mỗi lần sửa đổi Pháp lệnh là một lần chính sách người có công với cách mạng lại được hoàn thiện hơn, giải quyết tốt hơn những vấn đề còn tồn tại từ thực tiễn triển khai chính sách tại địa phương và quan trọng hơn là bổ sung các chế độ, chính sách mới đối với từng diện đối tượng trong điều kiện ngân sách Nhà nước cho phép để tiếp tục nâng cao đời sống người có công với cách mạng. Do vậy, có thể khẳng định, việc thường xuyên nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi người có công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian tới, đồng thời tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, nội dung mới của Pháp lệnh năm 2020. Thường xuyên đánh giá tổng kết và nghiên cứu toàn diện các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh một cách cụ thể, đồng nhất, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách ưu đãi người có công thực sự đi vào cuộc sống.
Thứ tư, ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh… Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá công tác người có công với cách mạng trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chăm lo đời sống người có công và gia đình.
Thứ năm, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh công tác xác định danh tính liệt sĩ; quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng chính sách để trục lợi, đảm bảo khách quan và công bằng giữa các đối tượng tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách rất đặc biệt và cao quý này của Đảng và Nhà nước đối với những người đã hy sinh xương máu, dâng hiến cả cuộc đời của mình vì độc lập, tự do và sự toàn vẹn của Tổ quốc./.
PHÁP LỆN ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG SỬA ĐỔI NĂM 2020 BỔ SUNG THÊM NHIỀU ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 năm 2020 mở rộng phạm vi điều chỉnh việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng. Bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi như: người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Nguyễn Bá Hoan
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội