09/03/2023 3:19:10

519 Doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023

Ngày 9/3, tại TP Hồ Chí Minh, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức họp báo công bố kết quả 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do người tiêu dùng bình chọn.

Được biết, Hội doanh nghiệp HVNCLC, cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2023 do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao chủ trì thực hiện từ tháng 9/2022.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 đã được đẩy lùi, cuộc khảo sát năm nay được đẩy mạnh gia tăng phần trực tiếp phỏng vấn bên cạnh khảo sát trực tuyến như thường niên. Kết quả ghi nhận hơn 61.000 lượt bình chọn cho các doanh nghiệp được tổng hợp từ: Khảo sát trực tiếp các điểm bán, khảo sát trực tiếp người tiêu dùng cùng lúc diễn ra tại những thành phố trực thuộc trung ương là các trung tâm kinh tế của các vùng miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ…). Khảo sát trực tuyến (online) thu thập ý kiến đánh giá, bình chọn của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp (DN) đạt đủ tỷ lệ Người tiêu dùng bình chọn gần tương ứng với kết quả khảo sát HVNCLC 2022 (677 DN so với 689 DN năm 2022). Số lượng DN rớt khỏi danh sách ít hơn so với năm 2022 (55 DN so với 95 DN năm 2022). Nhóm DN mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới) là các DN có mạng lưới phân phối khá tốt, tập trung hơn vào nhóm DN thực phẩm, cung ứng các sản phẩm tiêu biểu trên thị trường (DN đạt OCOP 4 sao hoặc 5 sao, hoặc DN đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong thực hành sản xuất).

Ngành hàng có số DN đạt đủ tỷ lệ bình chọn cao nhất là NGÀNH THỰC PHẨM KHÔ, ĐỒ ĂN LIỀN (9%); kế đến là NGÀNH NƯỚC CHẤM, GIA VỊ (8,6%); ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là NGÀNH DỤNG CỤ LÀM ĐẸP (0,3%).

Tỷ lệ bình trọn năm nay thấp hơn năm 2022, tập trung chủ yếu ở ngành dược phẩm và sản phẩm thuộc hàng tiêu dùng thời vụ – đặc biệt sản phẩm phục vụ cho việc phòng chống dịch Covid-19 2 năm vừa qua (khẩu trang, cồn khử khuẩn, nước rửa tay,…)

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC chia sẻ về chương trình

Trong 519 doanh nghiệp chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 do người tiêu dùng bình chọn. Đáng chú ý, trong số này có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 27 năm liên tiếp – cũng là 27 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức; 41 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn. Cùng với đó có 132 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn.

Theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, bước qua năm thứ 27 – Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn tiếp tục phát huy những giá trị bền vững vốn có là chương trình xúc tiến trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc thúc đẩy và cổ vũ hiệu quả nhất cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị.

Đồng thời, tạo động lực thúc thúc đẩy các doanh nghiệp nâng chất sản phẩm, phát triển thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững; là cầu nối sản phẩm của doanh nghiệp với hệ thống các nhà bán lẻ trong và ngoài nước; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan trên thị trường, NTD đang dần khắt khe hơn trong sự lựa chọn của mình.

Đặc biệt, sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của NTD ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn của NTD.

Theo Stratx-exl, NTD đang trở nên ý thức hơn về tác động tiêu cực của việc sản xuất các sản phẩm FMCG và các sản phẩm phụ, chất thải tạo ra. Vậy nên các sản phẩm được dán nhãn là hữu cơ (organic) hoặc có nguồn gốc tự nhiên (địa phương) được sự quan tâm và chú ý nhiều hơn.

Một số người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh),… Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh” “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay” – bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Thị trường mua sắm đang phát triển mạnh các mảng TMĐT, FMCG, F&B,… đã được lựa chọn nhiều trong 2 năm trở lại đây, tuy nhiên do tính chất đặc thù thì những kênh phân phối hàng hoá truyền thống vẫn chiếm hơn 60% (cửa hàng, đại lý, chợ,…). Do đó để đáp ứng nền kinh tế xanh cần có sự tuyên truyền từ gốc rễ DN và thay đổi thói quen sử dụng của NTD. Bên cạnh đó, DN cũng cần mạnh dạn chủ động hướng đến việc bảo vệ môi trường trong việc sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hoá.

Thực tế một số DN thuộc top dẫn đầu trong cộng đồng DN HVNCLC đã bắt nhịp với xu hướng này từ trước thời điểm dịch bùng phát và hiện nay vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều dự án sản xuất xanh, theo hướng tuần hoàn – bền vững, cung ứng sản phẩm an toàn, hữu cơ cho thị trường. Điển hình là các Công ty như Vinamit, Vinamilk, Hải Âu, Vissan, San Hà, Vĩnh Thành Đạt,…

Dự kiến, Lễ công bố Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2023 do người tiêu dùng bình chọn, có chủ đề: 27 năm Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Hành trình đến nền kinh tế xanh, sẽ diễn ra  vào chiều tối ngày 14/3/2023, tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), với sự tham dự của hơn 500 doanh nhân, hơn 100 khách mời Trung ương và các tỉnh thành, các tổ chức xúc tiến thương mại, nhà mua hàng trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ buổi lễ còn diễn ra Triển lãm gian hàng “kinh tế xanh” và chương trình Hội thảo chuyên đề.

Quang Trung